PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh khẳng định mẹ bầu có thể sử dụng mì ăn liền, kết hợp một số thực phẩm khác để đủ dưỡng chất.
*Bài chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – Viện Y học ứng dụng Việt Nam.
Phụ nữ mang thai thường lo lắng khi dùng mì ăn liền vì nhiều lý do như chứa chất bảo quản, phụ gia,… Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – Viện Y học ứng dụng Việt Nam, mì ăn liền của các hãng tên tuổi có hàm lượng chất bảo quản, phụ gia trong ngưỡng cho phép của Bộ Y tế, do đó mẹ bầu có thể an tâm sử dụng.
Chất bảo quản và phụ gia trong mì ăn liền
Thấy hạn sử dụng mì ăn liền lên đến 5-6 tháng, nhiều người lo ngại sản phẩm có thể chứa chất bảo quản. Tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, mì ăn liền bảo quản được lâu do có hàm lượng độ ẩm thấp và quy trình đóng gói kín. Theo đó, các nhà sản xuất mì ăn liền áp dụng phương pháp làm khô bằng cách chiên hoặc sấy để giảm độ ẩm trong vắt mì xuống mức thấp nhất, giúp bảo quản được lâu.
Ngoài ra, PGS Ninh cũng nhấn mạnh chất phụ gia hay chất bảo quản không hoàn toàn xấu. Hiện nay, việc sử dụng các chất này trong sản xuất thực phẩm phải tuân theo quy định của Bộ Y tế với hàm lượng cho phép, an toàn với người sử dụng.
Vị chuyên gia cho biết theo một số nghiên cứu, phụ gia sử dụng theo liều lượng cho phép, khi vào cơ thể phần lớn sẽ bị phân giải và đào thải qua cơ chế thải độc của gan, thận, ruột, hô hấp, da và hệ bạch huyết. Các tạp chất thoát ra ngoài qua đường nước tiểu, mồ hôi, phân, hít thở… Cơ chế này hoạt động hiệu quả khi chúng ta duy trì thực đơn ăn uống lành mạnh, tăng cường tập luyện thể thao, ngủ nghỉ điều độ.
Bên cạnh đó, PGS Ninh cũng khẳng định chưa có nghiên cứu khoa học đủ tin cậy cho thấy chất phụ gia thực phẩm trong mì ăn liền gây ra vấn đề về sức khoẻ. Vì thế, người tiêu dùng nói chung và mẹ bầu nói riêng có thể sử dụng mì ăn liền.
Cách đảm bảo dinh dưỡng khi dùng mì ăn liền
Nhiều người cũng cho rằng mì ăn liền chứa chất béo chuyển hóa (trans-fat), làm tăng cholesterol trong máu dẫn tới nguy cơ các bệnh tim mạch.
Tuy nhiên theo PGS Ninh, công nghệ sản xuất mì ăn liền hiện nay có thể kiểm soát hàm lượng trans-fat. Các nhà sản xuất uy tín thường sử dụng dầu thực vật (thường là dầu cọ), được tách lọc bằng công nghệ làm lạnh tự nhiên để chiên mì. Điều này giúp hạn chế phát sinh trans-fat trong quá trình chiên.
Theo quy định của FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ), nếu sản phẩm có chứa dưới 0,5 g trans-fat/khẩu phần ăn sẽ được công bố “0 g trans-fat”. Hiện nay, sản phẩm mì ăn liền của các đơn vị sản xuất uy tín tại Việt Nam có hàm lượng trans-fat dao động 0,01-0,04 g/khẩu phần ăn nên đạt chuẩn công bố “0 g trans-fat” của FDA.
Xét về khía cạnh dinh dưỡng, gói mì ăn liền loại thông dụng (75 g) chứa chủ yếu là chất bột đường (40-50 g), 10-13 g chất béo và không ít hơn 6,8 g đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 300-350 Kcal (tương đương 15-17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày của người trưởng thành). Do đó, mì ăn liền được xếp vào nhóm thực phẩm cơ bản như cơm, bún, phở và mẹ bầu có thể sử dụng bình thường.
Từ những phân tích trên, vị chuyên gia khẳng định phụ nữ mang thai không cần quá lo lắng khi sử dụng mì ăn liền. Tuy nhiên, nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý là phải kết hợp đủ 4 nhóm chất: Chất bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Thế nên khi sử dụng mì ăn liền, mẹ bầu có thể kết hợp cùng thực phẩm khác như thịt, tôm, trứng, rau, nấm… để có món ăn cân bằng và đủ chất.
Cũng theo PGS Ninh, mọi vấn đề sức khỏe thường phát sinh từ chế độ dinh dưỡng, lối sống thiếu khoa học. Bên cạnh thực hiện chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lý, chúng ta nên kết hợp vận động, luyện tập thể thao mỗi ngày và hạn chế rơi vào trạng thái stress.